Lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang triệu tập những người tham gia thụ lý vụ án Nguyễn Thanh Chấn yêu cầu tường trình về quá trình điều tra và giải thích về tố cáo bức cung trong đơn kêu oan của ông Chấn.

7 người phải làm tường trình gồm các ông: Thái Xuân Dũng, Lê Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyến, Ngô Đình Dung, Trần Nhật Luật, Đào Văn Biên, Nguyễn Trung Thành.
Theo một số nguồn tin, ông Thái Xuân Dũng hiện là Chánh thanh tra Công an tỉnh. Ông Lê Văn Dũng, chỉ huy điều tra vụ án, đang là Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Ông Ngô Đình Dung, Trần Nhật Luật đang là Phó trưởng Công an huyện Lục Nam và huyện Việt Yên. Ông Nguyễn Trung Thành giờ là Phó trưởng phòng Công tác Đảng, công tác quần chúng...
Trưa nay trao đổi với VnExpress, đại tá Nguyễn Văn Chức, Chánh văn phòng Công an tỉnh Bắc Giang, cho biết những điều tra viên này phải làm ngay tường trình về việc thụ lý vụ án như thế nào, căn cứ bắt người ra sao. Đặc biệt còn phải giải thích về việc ông Chấn tố cáo bị bức cung, ép cung.
Hiện chưa rõ thời hạn phải nộp tường trình vì đại diện công an Bắc Giang nói, yêu cầu viết tường trình “ngay” không có nghĩa là 1-2 ngày phải xong.
Theo Chánh văn phòng Công an tỉnh Bắc Giang, việc có ra quyết định đình chỉ điều tra với ông Chấn hay không, không thuộc thẩm quyền của Công an Bắc Giang. “Việc anh Chấn vô tội hay liên quan vụ án, hoặc Lý Nguyễn Chung có tội phụ thuộc vào điều tra của Bộ Công an và VKSND Tối cao”, ông Chức cho biết.
thanh-chan-7809-1383986885.jpg
Ngày 4/11, ông Chấn được tạm tha về nhà sau 10 năm bị bắt trong niềm vui sướng của gia đình. Ảnh: An ninh thủ đô
Trước đó, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo công an toàn tỉnh tổ chức rút kinh nghiệm.
Bà Bùi Thị Ngân, Viện phó VKSND tỉnh Bắc Giang, cũng cho hay đang yêu cầu những người liên quan báo cáo sự việc, xem xét trách nhiệm để kiểm điểm. Phía tòa án tỉnh, ông Thân Quốc Hùng, Chánh văn phòng, dù khẳng định vụ án năm xưa không vi phạm về mặt tố tụng, trình tự thủ tục làm vụ án là đúng, song cũng thừa nhận có sai sót trong đánh giá chứng cứ. 
Năm 2004, ông Chấn bị hai cấp xét xử tuyên án chung thân vì tội Giết người. Khi thụ án tại trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an), ông Chấn đã viết một số đơn kêu oan. Trong lá đơn viết năm 2007 gửi Viện trưởng VKSND Tối cao, ông Chấn cho biết ngày 15/8/2003 sau khi phát hiện chị Nguyễn Thị Hoan (hàng xóm) bị giết, ông là người gọi điện báo cho công an huyện, là người đi mua quan tài. Chừng nửa tháng sau đó, công an đã bắt ông vì cho rằng đã giết chị Hoan trong thời gian đi xin nước từ khoảng 19h đến 19h25, trong khi lúc đó ông có chứng cứ ngoại phạm là đang bấm máy cho khách hàng gọi điện thoại.
Trong đơn ông Chấn cho biết "bị đánh đập, đe dọa ép cung” để nhận tội. Ông Chấn nêu tên cụ thể tên những người ép cung
c-4801-1383973852.jpg
Ông Chấn vẫn còn nơm nớp lo khi chưa có quyết định tuyên vô tội. Ảnh: Việt Dũng.
Trong lá đơn kín 6 mặt giấy, ông Chấn cho biết: "Do bị tra tấn đánh đập, làm cho hoảng loạn, sợ hãi, tôi buộc phải nhận và làm theo những gì công an hướng dẫn mà thực tế không phải như vậy".
Trong đơn kêu oan, ông tha thiết đề nghị cơ quan pháp luật làm sáng tỏ vụ án để được về phụng dưỡng mẹ già vì là con duy nhất của liệt sĩ. “Thực sự tôi không giết chị Hoan”, ông nhấn mạnh ý này nhiều lần trong đơn kêu oan.
Ngày 4/11, VKSND Tối cao ra kháng nghị chỉ ra rằng "tòa án các cấp kết tội ông Chấn giết người là chưa đủ căn cứ". Cùng ngày, Viện cho ông Chấn tạm đình chỉ thi hành án sau 10 năm bị bắt. Hai ngày sau, tại phiên tái thẩm, TAND Tối cao chấp nhận kháng nghỉ: Hủy hai bản án kết tội ông Chấn để điều tra lại.
Trước đó một tuần, Lý Nguyễn Chung, người cùng làng với ông Chấn, ra đầu thú nhận là thủ phạm của vụ án.
Việt Dũng

Đăng nhận xét