Từ ngày 18/11, bạn có thể đặt tiền bảo lãnh với mức thấp nhất bằng tiền phạt tối đa của khung phạt để được bảo quản xe bị tạm giữ.

Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 quy định về quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có hiệu lực từ ngày 18/11/2013 cho phép người dân, doanh nghiệp có thể tự bảo quản phương tiện hoặc đặt tiền để bảo lãnh cho phương tiện vi phạm giao thông.
Điều 14 quy định về việc giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản như sau:
1. Phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đủ một trong các điều kiện dưới đây, người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ:
a) Cá nhân vi phạm phải xuất trình được sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị về nơi công tác; nếu tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận; có nơi giữ, bảo quản phương tiện đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 6 nghị định này;
b) Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh có thể được giữ, bảo quản phương tiện...
Theo đó, để được tự giữ, bảo quản xe bị tạm giữ do vi phạm giao thông, bạn phải xuất trình sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị về nơi công tác và có nơi giữ, bảo quản phương tiện bảo đảm an toàn về phòng chống cháy, nổ và đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Hoặc bạn có thể đặt tiền bảo lãnh để được giữ, bảo quản phương tiện. Mức ít nhất phải bằng tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho hành vi vi phạm.
Về thủ tục đặt tiền bảo lãnh: Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 115/2003/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cho người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Tiền đặt bảo lãnh được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt. Việc đặt tiền bảo lãnh và trả lại số tiền đó phải được lập biên bản (một bản giao cho tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh).
Về thủ tục giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản: Khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phải lập biên bản ghi rõ tên, số lượng, khối lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, nơi giữ, bảo quản, tình trạng của phương tiện và chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm và người có thẩm quyền tạm giữ (mỗi bên giữ một bản).
Tổ chức, cá nhân trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện được thay đổi nơi giữ, bảo quản nếu có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ. Phương tiện vi phạm trong thời gian được giao cho tổ chức, cá nhân giữ, bảo quản sẽ không được phép lưu hành. Nếu tổ chức, cá nhân được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm sẽ chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ theo quy định.
Cũng cần lưu ý là không phải tất cả các phương tiện vi phạm đều có thể được đặt tiền bảo lãnh. Các trường hợp dưới đây sẽ không được đặt tiền bảo lãnh:
a) Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự;
b) Phương tiện giao thông đang được đăng ký giao dịch bảo đảm;
c) Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông;
d) Giấy đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa;
đ) Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

Đăng nhận xét