Đánh giá hành vi “cướp" bia khi xe tải bị lật trên đường là đáng lên án, cần xử lý nghiêm, song những nhà làm luật cho rằng cơ quan điều tra sẽ gặp khó trong việc chứng minh để xử lý hình sự.

Liên quan đến việc hàng loạt người ùa vào lấy bia đổ trên đường nhân lúc người lái xe gặp nạn, thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM cho rằng, có thể xem xét xử lý những người này ở tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 137 BLHS. Tuy nhiên, đặc thù của tội danh này là trị giá tài sản bị chiếm đoạt phải trên 2 triệu đồng. Nếu trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt dưới mức này nhưng người phạm tội “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt nhưng lại phạm tội, thì mới có thể bị khởi tố hình sự.
Ngoài ra, ông Long cho rằng, trong vụ việc này, dù có rất nhiều người tham gia lấy bia nhưng không được xem là phạm tội "có tổ chức" hay có yếu tố định khung tăng nặng bởi những người này hoàn toàn không bàn bạc, rủ rê nhau. Ngay sau khi bia bị đổ trên đường họ đã tự vào lấy. Vì vậy, người nào thực hiện hành vi phạm tội đến đâu thì xử lý đến đó.
tham-phan-Vu-Phi-Long-6108-1386840455.jp
Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM. Ảnh: Hải Duyên.
“Đa số những người vào lấy bia đều nhặt bằng tay, mỗi người vài lon hoặc vài thùng, vì vậy, rất khó để xác định mức tài sản chiếm đoạt. Nhưng nếu cơ quan điều tra có cơ sở chứng minh được người nào lấy với giá trị trên 2 triệu đồng thì có thể khởi tố. Tuy hành vi của những người này là đáng lên án, gây bức xúc dư luận nhưng cần phải phân biệt rõ ràng giữa yếu tố cấu thành tội danh với ý kiến của dư luận", ông Long nói.
Chung quan điểm, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho hay, việc xác định tội phạm đối với những người đã thực hiện hành vi "hôi của" là rất khó khăn đối với cơ quan điều tra. Nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải quyết tâm xử lý hình sự để làm gương cho những người về sau.
Trường hợp không thể xử lý bằng chế tài hình sự thì có thể xử phạt hành chính về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội (được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 73 ngày 12/7/2010 của Chính phủ). Theo quy định này, mức phạt đối với hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác là từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
Để thực hiện việc xử phạt, cơ quan điều tra có thể sử dụng các đoạn băng ghi hình để truy xét những người có liên quan. “Những người hôi bia trong vụ việc nêu trên không chỉ có hành vi vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức cũng như làm mất đi truyền thống giúp người trong hoạn nạn của người Việt", vị luật sư Trạch nêu ý kiến.
Về trách nhiệm của người tài xế, theo thẩm phán Vũ Phi Long, vụ án gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng đã được cơ quan công an khởi tố. Vì vậy, không chỉ xác định trách nhiệm hình sự đối với người hôi bia mà cả đối với người tài xế. Có thể chính tài xế cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm điều khiển phương tiện giao thông đường bộ dẫn đến tai nạn làm lật xe tải.
Ông Long cũng cho biết thêm, trước mắt người tài xế phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu về thiệt hại tài sản, nếu có yêu cầu. Sau đó, khi xác định được những người đã lấy bia thì cơ quan chức năng buộc những người này phải khôi phục hoặc trả lại tài sản cho tài xế.
“Trách nhiệm bồi thường đã được pháp luật quy định rất rõ ràng. Song, thực tế tại hiện trường có không ít lon bia bị dẫm bẹp, hư hại nên việc phải bồi thường theo nguyên trạng là rất khó. Cơ quan chức năng sẽ hết sức vất vả để giải quyết vụ án này”, ông Long phân tích.
Trước đó, trưa 4/12, tài xế Hồ Kim Hậu (30 tuổi) lái xe tải đi giao hơn 1.300 thùng bia từ TP HCM cho một đại lý ở tỉnh Bình Thuận. Đến vòng xoay Tam Hiệp (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), khi tài xế đang ôm cua thì chiếc xe bị nghiêng, thanh chắn gãy, đứt dây chằng khiến hơn 1.000 nghìn thùng bia rơi xuống đường. Chiều 11/12, Công an thành phố Biên Hòa, Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án.

Đăng nhận xét