Trái ngược với những hứa hẹn của chủ đầu tư về một dự án vô cùng ý nghĩa để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - HN, tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án này vẫn còn nằm trên giấy.

Là công trình được dự kiến hoàn thành vào năm 2010 để chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tuy nhiên đã 3 năm trôi qua kể từ cột mốc đó và 6 năm kể từ ngày khởi công, tòa tháp có tổng mức đầu tư lên tới 50 triệu USD tại phường Yết Kiêu, quận Hà Đông vẫn là một dự án "chết".
6.000m2 hoang hóa giữa TP
Tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất của quận Hà Đông, theo giới thiệu của chủ đầu tư (Công ty TSQ Việt Nam), dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Tây có tổng mức đầu tư 50 triệu USD, với diện tích đất gần 6.000m2, là một tổ hợp công trình đa chức năng khá hoành tráng, gồm 2 tòa nhà cao 45 tầng và 4 tầng hầm; khối đế có diện tích gần 16.000m2 bố trí khu bán lẻ, nhà hàng, phòng tập, văn phòng cho thuê, nhà trẻ, khu trưng bày văn hóa lụa; khu căn hộ từ tầng 7 đến tầng 43 với hơn 700 căn hộ; tầng 44-45 là 10 căn hộ penthouse; khu vực đỗ xe và xử lý kỹ thuật được bố trí tại tầng hầm. Dự án được khởi công vào tháng 7-2008 và dự kiến hoàn thành vào quý IV-2010.

Để "dọn đường" cho "tháp lụa", chính quyền địa phường đã giải thể khu triển lãm thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội, cho dù công trình này mới được đầu tư tu bổ, đồng nghĩa với không gian vui chơi của trẻ em và chỗ để người dân xem triển lãm đã bị dẹp bỏ.
Theo quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt, dự án Tháp thiên niên kỷ có quy mô 29 tầng với tổng vốn đầu tư 29,2 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó phía chủ đầu tư đã lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy mô dự án với 2 tòa tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm nâng vốn đầu tư lên 50 triệu USD.
Không chỉ vậy, tòa tháp còn được chủ đầu tư "đắp" vào những hứa hẹn mùi mẫn về một công trình đậm đà bản sắc. Đó là ý tưởng thiết kế độc đáo từ hình tượng những bó lụa của làng lụa Vạn Phúc.
Từ đó, Tháp thiên niên kỷ sẽ là điểm nhấn kiến trúc của thủ đô Hà Nội, một biểu tượng mang đậm tính văn hóa địa phương với những đường nét mới của cuộc sống hiện đại. Như để nhấn mạnh vào ý tưởng này, trong khuôn viên của tháp sẽ được chủ đầu tư dành hẳn một khu trưng bày các sản phẩm lụa của làng Vạn Phúc.
Trái ngược với những hứa hẹn của chủ đầu tư về một dự án vô cùng ý nghĩa để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án này vẫn còn nằm trên giấy. Bên trong dự án chỉ là bãi hoang cỏ mọc um tùm, rác rưởi chất đống cùng ngổn ngang máy móc đã hoen gỉ.
Chủ đầu tư TSQ Việt Nam cũng hoàn toàn im lặng, không trả lời báo giới về những vấn đề liên quan đến dự án ngàn tỷ này. Đặc biệt, trên website của đơn vị này, dự án Tháp thiên niên kỷ cũng chỉ xuất hiện thông tin giới thiệu dưới dạng "dự án đầu tư", không có bất cứ thông tin nào về thời điểm xây dựng, cũng như thời gian hoàn thành.

TP nhân nhượng?
Việc một dự án nằm ngay trung tâm quận Hà Đông nhưng để hoang hóa 6 năm khiến nhiều người ngạc nhiên. Bởi lẽ, không giống như nhiều dự án ở khu vực ngoại vi, dự án này nằm ngay trục đường chính Quang Trung - Nguyễn Trãi và đất sạch cho dự án này không phải tự dưng mà có.
Cụ thể, 21 hộ dân phải di dời để nhường đất cho dự án, trong khi phường Yết Kiêu - địa phương có tòa tháp - vẫn đang loay hoay tìm đất để xây dựng trường cấp 2 cho học sinh. Điều khó hiểu là từ đầu năm 2012, cơ quan chức năng của Hà Nội đã về kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Đông, trong đó có dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Tây, tuy nhiên kết quả của đợt kiểm tra này nhanh chóng "chìm nghỉm" và công trình vẫn không có chuyển biến, mặc cho người dân bức xúc.
Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tăng cường giám sát những dự án đầu tư trên địa bàn TP, trong đó dự án Tháp thiên niên kỷ thêm một lần nữa bị "điểm danh". Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư, các quận, huyện, thị xã báo cáo định kỳ 6 tháng/lần việc giám sát các dự án đầu tư trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao quản lý, kiểm tra ít nhất 1 lần đối với các dự án có thời gian thực hiện hơn 12 tháng.
Trước đó, TP Hà Nội cũng "phấn đấu" cải thiện các dự án BĐS có nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khi báo cáo cho thấy trên địa bàn thủ đô hiện có 95 dự án BĐS có vốn FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký gần 10 tỷ USD, tuy nhiên số vốn đầu tư được giải ngân trên thực tế chỉ đạt khoảng 35%.
Riêng phía chủ đầu tư, dù chưa từng lên tiếng về sự chậm trễ của dự án này, nhưng những người am hiểu thị trường BĐS đều không lấy làm lạ, bởi trên địa bàn quận Hà Đông bỏ hoang dự án đã trở thành chuyện… bình thường. Việc nhiều chủ đầu tư ôm đồm đăng ký cùng lúc nhiều dự án để giữ đất rồi sau đó không thể triển khai do hết vốn, cũng không thể sang nhượng vì thị trường BĐS đóng băng, đã không còn xa lạ.
Và TSQ Việt Nam không phải là ngoại lệ, bởi cùng với Tháp thiên niên kỷ, chủ đầu tư này còn thực hiện nhiều dự án hoành tráng như Làng Việt kiều châu Âu, chung cư Euroland… mà cách đây không lâu những lùm xùm, kiện tụng quanh dự án Làng Việt kiều châu Âu đã tốn không ít giấy mực.
Rõ ràng, dù với lý do gì, một dự án chiếm đất đến 6 năm không triển khai, cho thấy còn tiềm ẩn nhiều vấn đề, thậm chí nhiều khuất tất. Theo ý kiến của nhiều người dân sống quanh khu vực Tháp thiên niên kỷ, Hà Nội nên ra "tối hậu thư" cho dự án này, bởi nếu không triển khai phải trả lại đất cho Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội, hoặc trả lại đất cho phường để xây các công trình phúc lợi như trường học, khu vui chơi cho trẻ - những công trình khu vực này đang rất thiếu.
Khôi Nguyên

Đầu Tư Tài Chính

Đăng nhận xét