Việc mua nhà tại quê hương của bà con Việt kiều tuy đã mở ra nhưng vẫn còn vướng nhiều thủ tục, chưa thực sự thuận lợi. Đó là nhận định của nhà đầu tư Đỗ Quân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn tài chính TSQ, chủ đầu tư dự án Làng Việt kiều châu Âu tại Hà Đông, Hà Nội.

Lá rụng về cội

“Có lẽ phải nửa số những người Việt Nam đã đi ra nước ngoài định cư đều mong muốn mua được một căn nhà ở quê hương mình”, anh Hoàng Anh Tuấn, một Việt kiều Ba Lan đã ước tính với phóng viên VietNamNet. Nói như Anh Tuấn hoàn toàn không quá lời bởi việc sở hữu một căn nhà tại nơi chôn rau cắt rốn là mong muốn của đại đa số kiều bào ta ở nước ngoài.

Chắc chắn sẽ có thêm nhiều bàn con về định cư, đầu tư nhiều hơn ở Việt Nam, nếu như việc sửa đổi điều 126 Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua.

Anh tâm sự: “Hầu hết, những người như chúng tôi khi đứng tuổi đều mong muốn trở về quê hương sinh sống. Những người đã đạt được thành công nhất định ở nước ngoài thì đều sớm tính chuyện đầu tư về nước. Ngay cả với những người đã xác định định cư hẳn ở nước ngoài thì họ vẫn muốn có một căn nhà riêng ở Việt Nam để ở trong mỗi lần về thăm quê. Đó là xu hướng tâm lý chung của mọi kiều bào".

Sau 20 năm sống ở Ba Lan, anh Tuấn về kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2003 và hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản Năng lượng và Môi trường Việt Nam, trụ sở tại Hà Nội.

Với anh Lương Anh Dũng, sau 30 năm sống tại Đức, anh đã lên kế hoạch đưa cả gia đình về Việt Nam định cư trong vòng 3-4 năm tới. Anh chia sẻ: “Thời trẻ, có thể chúng tôi mải mê làm việc nhưng trong tâm khảm, khi đã về già thì vẫn muốn trở về nước, được gần gũi gia đình”.

Năm 1994, Lương Anh Dũng bắt đầu về nước kinh doanh. Năm đó, để mua 1 căn nhà, anh Dũng cũng phải nhờ chú họ đứng tên. Cách đây 2 năm, khi chính sách mở hơn, anh mới mua được căn hộ ở khu Ciputra và việc mua khá thuận lợi vì anh vẫn mang quốc tịch Việt Nam.

Với thời gian trung bình ở Việt Nam tới 8- 9 tháng mỗi năm, việc mua được nhà tạo thuận lợi rất lớn cho anh trong cả sinh hoạt và công việc.

Mở nhưng vẫn chặt

Một điểm nóng trên nghị trường Quốc hội là việc sửa đổi điều 126, Luật Nhà ở. Theo đó, nhiều nhóm đối tượng Việt kiều sẽ được mua nhà ở gắn với quyền sử dụng đất. Nếu không thuộc nhóm đối tượng này thì phải có giấy miễn thị thực, có thời gian cư trú hợp pháp 3 tháng trở lên.

“Chính sách nhà ở cho Việt kiều đã mở nhưng vẫn còn là chặt”. Đó là nhận định của nhà đầu tư Đỗ Quân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn tài chính TSQ, chủ đầu tư dự án Làng Việt kiều châu Âu tại Hà Đông, Hà Nội. Anh ví dụ, ở Ba Lan, với căn hộ chung cư, chỉ cần có giấy tạm trú hợp pháp là được mua nhà. Về điều kiện về giấy miễn thị thực, anh nói, không phải ai cũng có được giấy này.

Quả thật, không phải Việt kiều nào về nước cũng được thuận lợi may mắn như anh Tuấn, anh Dũng hay đủ tiền để mua được căn biệt thự trị giá vài tỷ đồng.

Cũng là một nhà đầu tư trở về từ Ba Lan, trong 5 năm gần đây, mỗi lần về nước, anh Đỗ Khải đều phải ở nhờ nhà họ hàng. “Ở Ba Lan, tôi dễ dàng mua được 3- 4 căn nhà thì tại Việt Nam, vẫn chưa mua được căn nhà nào”. Lý do là chính sách vẫn còn đòi hỏi có quá nhiều thủ tục, điều kiện phải đáp ứng, anh Đỗ Khải cho biết.

Cho đến nay, dự án nhà ở dành riêng cho Việt kiều mới chỉ có “Làng Việt kiều châu Âu” tại Hà Đông của Tập đoàn tài chính TSQ với 100% vốn từ Việt kiều ở Ba Lan. Trong số 552 căn biệt thự của làng Việt kiều này được bán thì có tới 40% là Việt kiều mua.

Ngoài ra, tại khu chung cư Euro Land, đã có 150/500 căn hộ do Việt kiều đăng ký mua. Đa số, người mua là đến từ các nước Ba Lan, Ukraine, Đức, Nga, Séc… Hầu hết, họ mua là để ở trong các dịp về thăm quê. Cũng đã có một số Việt kiều mua để định cư tại Việt Nam.
Theo Bộ Ngoại giao, hiện nay mới có hơn 100.000 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp Giấy miễn thị thực.

Sau hơn 2 năm thực hiện Luật Nhà ở, mới có hơn 140 trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Con số này còn rất ít so với nhu cầu thực tế.

Nhiều kiều bào mong muốn gắn bó với quê hương và được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng lại không thuộc đối tượng được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Đã từng xảy ra các trường hợp kiều bào mua nhà, nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, do đó đã nhờ người quen, họ hàng mua, đứng tên hộ, dẫn đến nhiều rủi ro về tranh chấp tài sản. (Theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội)
 
 Theo Vietnamnet

Đăng nhận xét